Tin tức

Mang đến cho cộng đồng
các dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ
hàng đầu Việt Nam

MÔ HÌNH TIÊU BIỂU CỦA HỮU CƠ VIỆT NAM TẠI MIỀN NAM VỚI THỦY SẢN HỮU CƠ VÀ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI

Mô Hình Miền Nam với Sản phẩm thủy sản hữu cơ và Mô Hình Doanh nghiệp xã hội (Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú )
MÔ HÌNH TÔM HỮU CƠ CỦA TẬP ĐOÀN THỦY SẢN MINH PHÚ – MINH PHÚ ĐANG LÀ ĐỐI TÁC CỦA CODAS
Từ năm 2002, khái niệm “tôm sinh thái” hay “tôm hữu cơ” dần được dùng phổ biến ở Cà Mau và Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, vùng nuôi tôm sú hữu cơ được phát triển mạnh với sự tham gia của 4 công ty thủy sản là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Camimex, Seanamico và Casep. Ngoài tiêu chuẩn Naturland, các doanh nghiệp mở rộng thêm các tiêu chuẩn Organis EU, Bio Suisse, Selva Shrimp… các chứng nhận này giúp thuận lợi hơn trong quá trình Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm tôm hữu cơ sang các thị trường cao cấp như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Trong các doanh nghiệp sản xuất tôm hữu cơ tại Việt Nam thì một trong các doanh nghiệp đi tiên phong trong sản xuất hữu cơ, thực tiễn hoạt động hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững phải kể đến Tập đoàn thủy sản Minh Phú. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thực hiện vùng nuôi từ năm 2013 và năm 2014 đạt chứng nhận Naturland. Đến năm 2018, sản phẩm tôm hữu cơ Minh Phú đã đạt các chứng nhận hữu cơ EU, Bio Suisse, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp trên tổng diện tích 21.000ha nuôi tôm hữu cơ và 100% sản lượng sản xuất ra phục vụ xuất khẩu. Ngoài việc tổ chức nuôi tôm hữu cơ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống cấp đông nhanh từng cá thể (IQF), mạ băng bảo quản… giúp tôm bảo toàn được dinh dưỡng, giữ độ tươi ngon của thực phẩm và thuận tiện cho việc bảo quản. Ngoài ra hệ thống nhà xưởng của Minh Phú đã đạt các chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm như BRC, HACCP, ISO 22000.
Quy trình sản xuất tôm hữu cơ Minh Phú tôn trọng các nguyên tắc trong tiêu chuẩn hữu cơ là Sức khỏe – Sinh thái – Công bằng – Cẩn trọng.
Quy trình nuôi tôm hữu cơ không cần dùng thuốc kháng sinh mà vẫn ổn định, bền vững. Trong quá trình 2 năm thử nghiệm và 5 năm mở rộng vùng sản xuất tôm hữu cơ, các chuyên gia của dự án xây dựng vùng nuôi tôm hữu cơ của Minh Phú kết luận “tôn trọng tự nhiên thực sự là chiếc chìa khóa mở mọi cánh cửa”. Minh Phú đã phát triển 21.000 hecta nuôi tôm sinh thái không dùng thuốc phòng bệnh, tuyệt đối không có kháng sinh, chỉ dựa vào tự nhiên và điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp. Mật độ nuôi, thức ăn và môi sinh là những yếu tố tiên quyết:
– Vùng nước nuôi tôm là vùng rừng ngập mặn, nước được lưu thông và kiểm soát độ mặn chặt chẽ.
– Tỷ lệ nuôi thả thấp, chỉ 20 con/m2 (trong khi trong nuôi tôm thông thường mật độ này lớn gấp 5 lần)
– Tôm tự kiếm thức ăn tự nhiên. Tuyệt đối không cho ăn thêm thức ăn. Con tôm lớn và phát triển sức đề kháng tự nhiên.
– Cuối cùng, cực kỳ quan trọng, việc nuôi tôm với mật độ thấp, vùng nuôi rộng, tôm được sống cùng những loại thủy hải sản khác, khiến các loại nấm bệnh nếu có sẽ bị tiêu diệt từ sớm.
Một trong các thành công của Tập đoàn thủy sản Minh Phú và góp phần không nhỏ trong việc xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm tôm hữu cơ Việt Nam là việc thành lập Doanh nghiệp xã hội (DNXH) được đặt tên là Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, đánh dấu một mô hình liên kết thành công giữa Tập đoàn Thủy sản lớn và các hộ nông dân nhỏ tại vùng rừng ngập mặn Cà Mau.
DNXH có mô hình liên kết với các hộ nuôi tôm rừng nhỏ lẻ, manh mún để thực hiện nuôi tôm theo tiêu chuẩn của các chứng nhận quốc tế khác nhau (đa chứng nhận). Người dân nuôi tôm tham gia trong DNXH với tư cách là cổ đông được chia lợi nhuận từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Giá bán sản phẩm ổn định, “bán tận gốc” không thông qua thương lái. Giá trị thu được từ tôm nuôi cao hơn so với giá tôm thường không được chứng nhận…
Phát triển rừng ngập mặn để nuôi tôm
Tiền đề thành lập Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú là khởi nguồn từ dự án quốc tế thực hiện trong 3 năm từ 2012-2015, được thực hiện bởi Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) triển khai dự án Phục hồi rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải (gọi tắt là MAM) tại tỉnh Cà Mau, xây dựng vùng nuôi tôm có chứng nhận Naturland. Giai đoạn này có 7/9 Ban quản lý rừng ngập mặn với 6 Công ty tham gia xây dựng vùng nuôi có chứng nhận quốc tế. Tổng diện tích được chứng nhận là 18.926 ha (rừng và mặt nước nuôi tôm). Sau khi dự án kết thúc, đến nay chỉ còn Tập đoàn Minh Phú tiếp tục thực hiện, còn các DN khác đã chấm dứt mô hình.
Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú được thành lập từ tháng 1/2017 với 89 cổ đông, bao gồm 5 cổ đông sáng lập và 84 cổ đông là người dân nuôi tôm rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, với 48.640 cổ phần, mỗi cổ phần mệnh giá 10.000 đồng. Hiện diện tích nuôi tôm rừng của 84 cổ đông đã được chứng nhận là 486,4ha. DN chi trả dịch vụ môi trường rừng theo định mức 500.000 đ/ha rừng/năm. Sau đó DN đã mở rộng vùng nuôi tôm rừng hữu cơ tại Cà Mau, mở rộng sang Trà Vinh, Bến Tre…, tăng số lượng cổ đông là nông dân tham gia vào DNXH lên gấp nhiều lần. Đến năm 2018, DN hoàn thành vùng chứng nhận tôm sinh thái lên 6.000ha tôm rừng đạt chứng nhận Hữu cơ EU và 15.000ha diện tích tôm rừng đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ tiêu chuẩn EU. Cả 21.000ha đều đang cho khai thác tôm rừng hữu cơ và chuyển đổi phục vụ 100% xuất khẩu.
Tham gia DNXH, nông dân góp vốn bằng chính ruộng đất của mình nhưng rất an tâm không sợ bị mất. Nông dân góp vốn nhưng vẫn trực tiếp canh tác trên phần đất của mình, theo một quy trình thống nhất với doanh nghiệp, nông dân được đào tạo quy trình canh tác tuân theo bộ tiêu chuẩn hữu cơ nhất định, giữa DN và nhà nông sẽ được ràng buộc với nhau bằng một hợp đồng kinh tế. Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú đã đồng hành cùng dân nuôi tôm với quy trình sạch bệnh, chất lượng, giá thành thấp và quan trọng là có được chứng nhận quốc tế phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Mô hình DNXH mà Minh Phú thực hiện được khởi đầu từ tôm nuôi sinh thái dưới tán rừng phòng hộ ven biển, tiếp đến là tôm, lúa và sau là tôm nuôi công nghiệp. MInh Phú chọn con tôm sinh thái, tôm hữu cơ là do giá trị kinh tế cao hơn từ 25-30% so với tôm nuôi thông thường. Bà con sẽ được hỗ trợ kỹ thuật nuôi bằng một quy trình sản xuất thống nhất, tăng năng suất tôm, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, giúp người dân tăng giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, còn giúp giải quyết vấn đề xã hội đang đặt ra như bảo vệ môi trường. Thậm chí, người dân có thể mua cổ phần của Công ty để cùng chia sẻ lợi nhuận,lợi tức hàng năm. Đặc biệt, phần lớn lợi nhuận DNXH tạo ra, sẽ được dùng đầu tư vào mục đích cho các vấn đề xã hội, môi trường.
Mô hình DNXH do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú khởi xướng đang có sức lan tỏa ở ĐBSCL khi nhiều tỉnh có diện tích nuôi tôm học tập, làm theo. Đây được coi là cách liên kết nông hộ nhỏ lẻ thành một tập thể, sản xuất hàng hóa lớn. Theo đó, thay vì để người nuôi tôm tự phát triển nhỏ lẻ, khi thành lập DNXH, sẽ tập hợp người dân lại, diện tích nuôi của mỗi hộ dân sẽ trở thành một ao nuôi tôm của DN.

Tính đến năm 2019 Các doanh nghiệp sản xuất hữu cơ lớn trên cả nước đều đang áp dụng và áp dụng hiệu quả mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân cùng hợp tác dựa trên cở sở lợi ích cong bằng, bình đẳng. Từ câu chuyện Công ty cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú của Tập đoàn Thủy sản lớn nhất Việt Nam tập đoàn Minh Phú, đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam như Chè hữu cơ (Ecolink), Quế, hồi hữu cơ (Vinasamex), hay Mô hình sản xuất PGS sản xuất sản phẩm hữu cơ tiêu thụ trong nước tại Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam,Tuyên Quang, Cao Bằng, Hội An, Bến Tre đều đang chứng tỏ sức lao động, sản xuất và sáng tạo của nông dân trong sản xuất hữu cơ, chứng minh rằng người nông dân có thể làm chủ mảnh đất của mình và canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ để đạt được năng suất tốt và giá trị sản phẩm cao, thu nhập gia đình ổn định góp phần vào việc giảm thiểu các vấn đề xã hội như mất cân bằng lao động giữa Thành thị và Nông thôn, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường…

Tags:
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Bình luận bài viết

Trả lời